Câu chuyện về nguồn gốc món bún chả và Sự tinh tế của người Thủ Đô

Bạn là người Việt nam thì chắc chắn đã nghe nhắc tới món bún chả nổi tiếng của người Hà Nội xưa, đây là món ăn mà rất nhiều người đi xa xứ đều nhớ, luôn tự hào giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu tới Việt nam để thưởng thức.

Bún chả - đứa con "cá biệt" của đất kinh kỳ?

Việt Nam ta không thiếu những món ăn ngon. Ta có hằng hà sa số những món ngon mà độc đáo, từ bộ sưu tập những món bún, phở, bánh canh có thể so sánh ngang tầm với văn hoá pasta của Ý, những cái tên đình đám trong ẩm thực đường phố, cho đến những món ăn trong mâm cơm mẹ nấu hằng ngày, tất cả đều mang một hương vị đặc trưng Việt Nam, không lẫn vào đâu được.



Bún chả là món ăn với bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, là thứ quà ẩm thực có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội, nên có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn.
Nguyên Liệu món bún chả
  • Chả: thịt lợn nạc vai làm chả băm, thịt ba chỉ làm chả miếng. 
  • Bún: bún lá hoặc bún rối (thường ăn với bún rối)
  • Nước mắm: pha loãng cùng với các gia vị khác như đường, mì chính, nước cốt chanh, dấm thanh, tỏi băm, ớt băm, tinh dầu cà cuống.
  • Dưa góp chua ngọt: đu đủ xanh (hoặc cà rốt, su hào).
  • Đĩa rau sống: xà lách, húng, ngổ, kinh giới
  • Gia vị ăn kèm khác bày đĩa: tỏi băm, ớt băm, dấm thanh, hạt tiêu xay, chanh quả cắt miếng.

Cả một nghệ thuật tinh tế trên bếp than hoa

Bún chả nghe có vẻ dễ vậy, nhưng để có được một bữa bún chả ngon đúng điệu không hề đơn giản chút nào. Món chả trong bún chả có hai loại là chả viên và chả miếng, cả hai loại chả này đều phải nướng được độ thơm và đậm đà, nhưng vẫn phải đủ mềm. Chả viên của người Hà Nội phải là chả làm từ thịt vai, ướp nêm thật cẩn thận, sau đó nắn thành miếng dẹt rồi đem nướng. Ai mà kỹ tính thì còn phải bọc thêm một lớp lá lốt bên ngoài chả rồi mới đem nướng, để miếng chả không bị sạm và dậy mùi hơn nữa.

Ảnh: Premshree Pillai

Đối với chả miếng, người ta phải chọn thịt ba chỉ đủ mỡ đủ nạc, đem ướp qua đêm rồi mới nướng. Và chính sự hài hoà trong cách gia giảm gia vị của người Hà Nội đã khiến cho miếng chả có mùi vị không thể lẫn vào đâu được. 

Không quá ngọt và đậm hương như món sườn nướng của Sài Gòn, chả nướng Hà Nội tinh tế lắm. Chỉ một chút hành để làm dậy mùi thơm, một chút màu để thêm phần hấp dẫn, một chút mắm để miếng thịt thêm đậm đà và một chút đường để tôn lên cái vị ngọt thịt vốn có. 

Thịt nướng xong thì thả thẳng vào bát nước chấm, nên nước chấm cũng phải pha thật thanh, để sao cho vẫn đậm đà chấm bún mà không làm mất đi vị ngọt của thịt. Mỗi nhà có một cách pha nước chấm bún chả riêng, từ đó mới có những hàng bún chả gia truyền, với công thức nước chấm cha truyền con nối, ngon cho đến ngày nay.

Một nửa cái ngon của bún chả là từ thịt, nửa còn lại phải là bún. Ngày xưa, vắt bún trong bữa bún chả hay các các món bún chấm nói chung phải là bún con, được xếp thành từng vắt gọn gàng, đủ cho một lần gắp. Người Hà Nội kén sợi bún lắm! Sợi bún phải dai, mềm, trắng ngần, thanh nhỏ chứ không to như sợi bún Huế hay có phần cứng như sợi bún ở Sài Gòn. 

Ảnh: Philipp Manila Sonderegger
Tương tự như phở, như bún bò, bún chả đơn giản vậy mà cũng hội tụ đủ cả năm yếu tố kim - mộc - thuỷ - hoả - thổ, thể hiện cả sự đa dạng, phong phú của nền ẩm thực đầy sắc màu của Việt Nam nói chung, và cái tinh tế, tỉ mẩn đến từng chi tiết, từng mùi vị của người Hà Nội nói riêng.

Bây giờ cái gì cũng dư đủ, con người ta muốn gì là có nấy nên đi ăn bún chả lúc nào cũng được. Nhưng thực ra, bún chả thường được ăn vào buổi trưa. Cũng giống như người Đức chỉ ăn xúc xích trắng vào buổi sáng, việc chọn thời gian ăn bún cũng là một nghệ thuật. Bún chả ngày xưa không phải là món ăn rẻ tiền, các vắt bún cần phải tươi ngon như vậy nên phải canh lúc nào ăn cho ngon nhất, để thưởng thức hết được cái tinh tế của bún, của chả và của rau thơm nữa.



Bún chả trong cảm xúc của các nhà văn học

Các nhà văn nước ta ngày trước cũng sành ăn lắm, nên không thể bỏ qua món bún chả rồi. Cái quyến rũ của bún chả thực ra không cần phải đến thật gần, phải ăn vào mới cảm nhận được. Bún chả đi đến đâu là mùi thơm lan toả đến đấy, và hương thơm này cũng được nhắc đến trong tác phẩm "Những năm tháng ấy" của Vũ Ngọc Phan:
Hàng bún chả đỗ đâu là thơm nức ở đó, cô hàng bún chả quạt chả trên than hồng đựng trong cái hộp sắt tây, chả cháy xèo xèo, khói bay nghi ngút. Có ba xu hoặc năm xu là đã được ăn bún chả thơm ngon, nhà làm thì tốn hơn và kềnh càng lắm.

Thạch Lam:
...Có một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói lên Hà Nội đã ứng khẩu đọc hai câu thơ khi ngửi thấy mùi khói chả:
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long.
Bún chả là đây có phải không?...

Vậy đấy, bún chả thu hút người ta bằng những chi tiết giản dị nhất. Món bún này cũng chứng minh cho việc, cái nhỏ, cái đơn giản chưa chắc đã là cái tầm thường. Và người Hà Nội, bằng sự tinh tế và khéo léo của mình, đã làm thăng hoa món ăn tưởng chừng như đơn điệu ấy.


Chuyện về ẩm thực Việt Nam, kể đến bao giờ mới hết? Mỗi món ăn truyền thống của Việt Nam dường như không phải là món ăn thông thường nữa. Chúng chứa đựng hương vị của vùng miền, là những tâm hồn giữ lại cái tinh tế qua nhiều thăng trầm lịch sử. Bún chả, vị đại sứ mới nhất của ẩm thực Việt Nam một lần nữa đã chứng minh cho cả thế giới, và cả người Việt mình thấy rằng, cái đẹp có thể nằm ở những điều nhỏ nhất.

Đặc sản Hà Thành

Bún chả thường được ăn vào buổi trưa. Việc lựa chọn thời gian thưởng thức bún chả dường như là một nghệ thuật về thời gian: ăn bún chả vào giờ nào là thích hợp. Đây là một nét rất riêng của văn hóa ẩm thực đất kinh kỳ. Tuy nhiên hiện nay để phục vụ cho nhu cầu yêu thích của khách du lịch, cũng có một số cửa hàng bán bún chả cả sáng trưa chiều tối.

Không khó khăn để có thể tìm được một hàng bún chả tại các góc phố của thủ đô Hà Nội, trong đó, có một số cửa hàng đã khá nổi tiếng, quen thuộc với thực khách như bún chả Đắc Kim ở Hàng Mành, bún chả Bình Chung ở Bạch Mai, bún chả Sinh Từ, bún chả Duy Diễm ở Ngọc Khánh, bún chả Hương Liên ở Ngô Thì Nhậm, bún chả Ngọc Xuân ở Thụy Khuê, v.v.

Có nhiều biến tấu cho bún chả tại Hà Nội và một số cửa hàng đã ít nhiều tạo nên phong cách khi thay đổi phương thức chế biến, thời gian thưởng thức như bún chả bọc lá chuối, bún chả kẹp que, bún chả ăn sáng, bún chả dấm sấu dấm me v.v

Theo internet

Đăng nhận xét

0 Nhận xét